Mặc dù là một trong những đơn vị đặc biệt tinh nhuệ nhất của Mỹ nhưng so với các đơn vị khác như Seal hay Delta Force, Mũ nồi xanh lại có phần "thầm lặng" hơn.
Lực lượng đặc nhiệm Mũ nồi xanh (Green Berets) là đơn vị tác chiến đặc biệt tinh nhuệ của Lục quân Mỹ.
Đơn vị đặc nhiệm "kém nổi tiếng nhất" quân đội Mỹ
Mũ nồi xanh (Green Beret) là tên lực lượng đặc nhiệm của Lục quân Mỹ, chuyên trách tác chiến phi quy ước, hoạt động ngầm. Đây là một trong những đơn vị đặc nhiệm quan trọng nhất, nhưng lại ít được biết đến nhất của quân đội Mỹ, nếu so với những đơn vị khác như Seal hay Delta Force.
Một phần lí do chính khiến đơn vị này "kém nổi tiếng" là vì loại nhiệm vụ mà nó chuyên thực hiện ít khi sử dụng vũ lực, và thường trong một thời gian dài, khác hẳn với cách công chúng nghĩ về các chiến dịch đặc biệt. Lịch sử của nó bắt nguồn từ Cục Tình báo chiến lược (OSS) trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Nhiệm vụ của OSS là xâm nhập các vùng lãnh thổ đang bị phe phát xít chiếm đóng, tìm kiếm, tổ chức, và huấn luyện các nhóm kháng chiến vũ trang người bản xứ. Tiêu biểu như tại Miến Điện, các đặc vụ OSS đã thành lập một đội quân du kích gồm 11.000 người, chống lại phát xít Nhật.
Sau Chiến tranh, OSS bị giải thể, và quân đội Mỹ cảm thấy sự cần thiết của một đơn vị đặc biệt có thể thực hiện những loại nhiệm vụ tương tự như OSS đã làm. Năm 1952, lực lượng Mũ nồi xanh chính thức được thành lập, với chỉ 10 thành viên ban đầu.
Một nhóm quân du kích Miến Điện do OSS tổ chức
50% ứng viên bị loại hoặc tự nguyện xin rút
Các đơn vị Mũ nồi xanh được phân chia theo khu vực địa lý, gồm 5 trung đoàn thường trực. Các trung đoàn này phụ trách 5 khu vực địa lý khác nhau gồm: Châu Á-Thái Bình Dương, Châu Phi, Trung Đông-Trung Á-Vùng sừng Châu Phi, Châu Mỹ Latin-Caribe, và Châu Âu. Ngoài ra còn có 2 trung đoàn dự bị. Mỗi trung đoàn là một đơn vị có tính độc lập cao, gồm 4 tiểu đoàn tác chiến và 1 tiểu đoàn hậu cần, với tổng quân số khoảng 1.200 người.
Mỗi năm Mũ nồi xanh tổ chức 4 đợt tuyển quân, mỗi lần với khoảng 300 ứng viên. Chỉ những nam quân nhân đang tại ngũ, tuổi từ 20-30, và được huấn luyện nhảy dù có thể tham gia. Những người này còn phải đáp ứng một loạt tiêu chí về thể lực, học vấn, lý lịch, trước khi được phép tham gia khoá tuyển chọn. Gần đây, Mũ nồi xanh bắt đầu cho phép một số nữ quân nhân tham gia quá trình tuyển chọn này.
Những người lính đặc nhiệm Mũ nồi xanh trong bài huấn luyện thể chất.
Khoá tuyển chọn diễn ra trong 24 ngày, gồm nhiều nhóm bài tập khác nhau: hành quân dã chiến, chạy đa cự li, vượt chướng ngại vật, định hướng và dò đường, ứng biến và giải quyết vấn đề, làm việc nhóm. Đặc điểm chung của tất cả các bài tập là đặt ứng viên dưới áp lực cao. Trong suốt quá trình tuyển chọn, các ứng viên chỉ được ngủ rất ít. Thường chỉ sau 2 tuần, hơn 50% số ứng viên bị loại hoặc tự nguyện xin rút.
Những ai hoàn thành quá trình tuyển chọn 24 ngày này, sẽ được tham gia khoá huấn luyện đầu vào của Mũ nồi xanh. Khoá huấn luyện kéo dài trong 1 năm với 6 phần chính. Phần 1 là hướng dẫn và huấn luyện chung. Phần 2 là đào tạo về ngôn ngữ và văn hoá. Phần 3 là huấn luyện về kỹ năng chiến đấu và sinh tồn. Phần 4 là huấn luyện chuyên sâu cho từng vị trí như chỉ huy, thông tin, quân y, công binh…Phần 5 là huấn luyện về tác chiến phi quy ước, hoạt động ngầm. Và cuối cùng là tốt nghiệp.
Những ai hoàn thành chương trình huấn luyện đầu vào sẽ chính thức trở thành lính Mũ nồi xanh và được phiên chế về 1 trong 5 trung đoàn thường trực, nơi họ sẽ tiếp tục huấn luyện với đơn vị của mình.
Mũ nồi xanh trong khoá huấn luyện chiến đấu ở vùng núi
Được sử dụng bất cứ loại vũ khí nào ưa thích
Cũng như các lực lượng đặc nhiệm khác, Mũ nồi xanh có đặc quyền được sử dụng bất kì loại vũ khí nào họ thích. Ví dụ như với súng trường tự động, ngoài loại tiêu chuẩn của quân đội Mỹ là khẩu M4A1, Mũ nồi xanh còn hay sử dụng khẩu SCAR-H. Nó sử dụng đạn cỡ 7.62mm chuẩn NATO, lớn hơn cỡ 5.56mm của M4A1, nên có tầm tác chiến xa hơn, phù hợp với địa hình trống trải tại Afghanistan.
Súng trường tự động SCAR-H
Trong trận chiến đèo Debecka, lính Mũ nồi xanh sử dụng Javelin, thế hệ tên lửa chống tăng cá nhân mới nhất, để đẩy lùi lực lượng đối phương lớn hơn nhiều. Javelin là hệ thống hoàn toàn tự động, nghĩa là sau khi mục tiêu bị khoá và tên lửa phóng đi, nó sẽ tự tìm đến mục tiêu, cho phép người bắn di chuyển và ẩn nấp. Với tầm bắn từ 75m đến 2500m, Javelin sử dụng đầu đạn 2 tầng, và có thể tấn công từ trên xuống, đánh vào nóc xe tăng, nơi lớp giáp mỏng nhất. Do đó nó có thể tiêu diệt hầu như mọi loại xe tăng hiện có.
Lính Mũ nồi xanh đang giao chiến tại Debecka, sử dụng Javelin.
0 nhận xét :
Post a Comment